ĐỊA LONG
Con Địa long hay còn gọi là trùn đất, giun đất, khâu dẫn,… Dược liệu này có tác dụng phá huyết kết, trừ phong thấp, thanh thận, khứ trùng tích, chủ trị chứng bí tiểu, hen phế quản, đau nhức do phong thấp, trị sốt cao phát cuồng, động kinh co giật,…
1. Tên gọi, phân nhóm
Tên gọi khác: Thổ long, Trùn đất, Giun đất, Thiên nhân đạp, Uyên thiện, Khúc thiện, Hàn dẫn, Dẫn lâu, Khâu dẫn,…
Tên khoa học: Lumbricus
Họ: Trùn quế (danh pháp khoa học: Megascolecidae)
2. Đặc điểm
Mô tả:
Con địa long hay còn gọi là giun đất – một trong những loại động vật ruột khoang phổ biến Chiều dài trung bình từ 10 – 35cm, thân hình trụ, có nhiều đốt. Thân có màu nâu đến màu hồng nhạt, ở hai bên thân có 4 đốt lông ngắn để giúp giun di chuyển. Vì không có mắt nên giun đất cảm nhận ánh sáng nhờ vào các tế bào đặc biệt phân tán dưới da.
Giun ăn mùn hữu cơ, sinh sống ở những vùng đất xốp và ẩm. Khi trưởng thành, giun đất bắt đầu hình thành đai sinh dục. Mặc dù đây là loài lưỡng tính nhưng chúng có khả năng thụ tinh chéo.
Phân bố:
Giun đất phân bố nhiều ở nước ta.
3. Bộ phận dùng, thu bắt, sơ chế, bảo quản
Bộ phận dùng: Toàn thân.
Thu bắt: Lựa chỗ đất ẩm, xốp, đổ nước chè, bồ kết hoặc lá nghễ răm để giun trườn bò lên.
Sơ chế: Đem rửa sạch cho hết chất nhầy, sau đó ép đuôi vào gỗ và mổ dọc thân. Tiến hành rửa sạch bùn đất trong bụng, đem phơi hoặc sấy khô dùng dần.
Bào chế:
+Dùng địa long 16 lượng đem ngâm với nước vo gạo trong vòng 1 đêm, sau đó vớt ra phơi khô. Tẩm rượu trong 1 ngày rồi sấy cho khô. Sau đó đem sao chung với gạo nếp và xuyên tiêu, mỗi thứ 2 chỉ rưỡi (theo Lôi Công Bào Chế).
+Phơi khô sau đó tẩm gừng hoặc rượu sao qua, rồi tán bột mịn (theo Trung Dược Đại Từ Điển).
+Sấy khô, tán bột mịn hoặc đốt tồn tính (theo Bản Thảo Cương Mục).
Bảo quản: Nơi khô thoáng, nên đựng trong lọ kín.
Lưu ý: Giun tự trồi lên mặt đất không nên dùng vì chủ yếu là giun bệnh. Giun khỏe thường ẩn náu sâu trong đất vì có đặc tính sợ ánh sáng.
4. Thành phần hóa học
Giun đất có thành phần hóa học đa dạng, bao gồm Terrestro-lumbrolysin, Xanthine, Lumbroferine, Guanidine, Valine, Hypoxanthine, Acid amin, muối hữu cơ, Vitamin, Choline,…
5. Tác dụng dược lý
Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:
+Hạ nhiệt, an thần (theo Trung Dược Học).
+Làm giãn mạch nội tạng, giúp hạ huyết áp chậm nhưng có tác dụng lâu dài (theo Trung Dược Học).
+Tác dụng diệt tinh trùng và hưng phấn tử cung (theo Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).
+Tác dụng hạ thân nhiệt.
+Địa long giúp giãn phế quản nên có tác dụng cải thiện cơn hen suyễn (theo Trung Dược Học).
+Kháng histamine và chống co giật (theo Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).
+Phá huyết do Lumbritin (theo Nhật Bản 1911).
+Tiêm địa long 10g/ kg vào khoang bụng chuột bị chứng não thiếu máu nhận thấy các triệu chứng thuyên giảm.
Theo y học cổ truyền
Công dụng:
+Hành thấp bệnh và đại giải nhiệt độc (theo Bản Thảo Giảng Nghĩa Bổ Di).
+Đờm kết, phá huyết kết, trừ phong thấp, khứ trùng tích (theo Đắc Phối Bản Thảo).
+Khứ nhiệt, hành thủy, trừ thấp nhiệt ở Tỳ Vị, thanh thận, thông đại tiện thủy đạo (theo Y Lâm Toản Yếu).
+Lợi niệu, trấn kinh, giải độc, thanh nhiệt (theo Trung Dược Học).
Chủ trị:
+Chứng hen phế quản, đau nhức do phong thấp, trị sốt cao phát cuồng, động kinh co giật, chứng bại liệt nửa người, tiểu không thông.
6. Tính vị
+Vị cay, đắng, tính hàn (theo Trấn Nam Bản Thảo).
+Vị mặn, tính hàn (theo Bản Kinh, Trung Dược Học).
+Không độc, tính rất hàn (theo Danh Y Biệt Lục).
7. Qui kinh
Qui vào kinh Thận, Tỳ, Vị, Can, Phế.
8. Liều dùng, cách dùng
Địa long được sử dụng để làm thuốc sắc, tán bột hoặc giã sống đắp ngoài. Mỗi ngày chỉ nên dùng từ 8 – 12g.
9. Bài thuốc
Một số bài thuốc từ dược liệu con địa long:
- Bài thuốc trị thương hàn nhiệt kết từ 1 – 7 ngày: Dùng giun đất sống 24 con, rửa sạch rồi giã nát, vắt lấy nước uống. Hoặc nấu với nước đồng tiện uống.
- Bài thuốc trị cổ độc khiến tiêu ra máu: Dùng giun đất sống 12 con đem ngâm với 3 thăng giấm, đến khi giun chết, dùng nước uống.
- Bài thuốc trị răng đau nhức: Dùng địa long tán bột, sau đó xức vào chân răng.
- Bài thuốc trị lợi răng chảy máu: Dùng khô phàn và bột địa long mỗi thứ 4g, 1 ít xạ hương. Đem các vị nghiền nát và xức vào chân răng.
- Bài thuốc trị lưỡi sưng cứng: Dùng địa long 1 con, hòa với muối và ngậm.
- Bài thuốc trị chảy máu trong tai: Dùng giun đất sống đem nghiền nát, trộn đều với mỡ heo và nước hành, đem bọc trong bông và nhét vào bên trong tai. Hoặc có thể thổi bột địa long vào trong tai cho đến khi khỏi.
- Bài thuốc trị rát tai khô cứng: Nghiền nát lá hành và giun đất, sau đó hòa với nước và đổ vào tai vài lần.
- Bài thuốc trị cuồng loạn, thở như suyễn, dương độc kết tụ ở hông và táo bón: Dùng giun đất sống 4 con, rửa sạch rồi đem nghiền nát và cho thêm 1 ít nước bạc hà, 1 thìa mật ong và 1 ít gừng tươi. Đem đun sôi với nước dưới sông, thêm 1 ít phiến não, uống cho ra mồ hôi.
- Bài thuốc trị điếc do bế khí: Dùng xuyên khung và địa long mỗi thứ 20g. Đem tán bột mịn, dùng 8g sắc với nước mạch môn.
- Bài thuốc trị đầu đau do phong nhiệt: Dùng địa long sao vàng, bán hạ, gừng và xích phục linh bằng lượng nhau, đem tán bột. Mỗi lần dùng từ 2 – 4g uống với cùng với nước sắc bạc hà, sinh khương và kinh giới.
- Bài thuốc trị trẻ nhỏ bị động kinh cấp: Dùng giun đất sống 1 con, giã nát rồi thêm vào 1 viên Ngũ phước độc đơn. Tiếp tục tán bột và sắc uống, dùng với nước sắc từ lá bạc hà.
- Bài thuốc trị cổ họng sưng nghẹt: Lấy địa long nghiền sống với giấm ăn, nuốt từ từ cho đến khi ói ra đàm hoặc máu.
- Bài thuốc trị viêm quầng: Dùng giun đất sống, giã nát rồi đắp vào vùng da bị đau.
- Bài thuốc tiểu không thông: Dùng giun đất giã nát, ngâm nước lọc để lấy ½ chén nước cốt, dùng uống.
- Bài thuốc trị trẻ nhỏ bị nhiệt kế gây bí tiểu: Dùng giun đất loại lớn, phết với bùn, thêm 1 ít mật ong. Sau đó dùng chu sa, xạ hương và long não mỗi thứ 1 ít, đem sắc với đăng tâm và mạch môn.
- Bài thuốc trị kinh phong cấp và mãn tính: Lựa giun đất vào mùng 5 tháng 5, sau đó cắt thành 2 đoạn. Dùng 1 đoạn nghiền nát, sau đó thêm 1 ít bột chu sa vào, vo thành viên. Mỗi lần dùng 5 – 7 viên uống cùng với nước sắc bạc hà.
- Bài thuốc trị đau một bên đầu: Dùng địa long sấy khô và nhũ hương bằng lượng nhau, đem tán thành bột mịn. Mỗi lần sử dụng 2g vấn lại thành thuốc hút, hít cho đến khi khỏi.
- Bài thuốc trị điếc đột ngột: Dùng giun đất trộn với hành, muối và nước. Dùng nước nhỏ vào tai khoảng vài lần là khỏi.
- Bài thuốc trị nhện cắn bị thương: Dùng 1 lá hành, đem bỏ đầu nhọn. Sau đó bỏ giun đất vào trong ống lá, đem cột hai đầu sau đó lắc cho ra nước. Dùng nước bôi vào chỗ nhện cắn.
- Bài thuốc trị phong cùi gây đau và ngứa: Dùng giun đất loại khoang trắng, đem nghiền nát với táo nhục làm thành viên to bằng ngô đồng. Mỗi lần dùng 60 viên uống với rượu. Khi dùng bài thuốc này cần kiêng ăn gừng và tỏi.
- Bài thuốc trị nhọt đã vỡ miệng: Dùng ngô thù du và địa long bằng lượng nhau, đem tán bột, trộn với miến sống và giấm. Sau đó đắp dưới lòng bàn chân.
- Bài thuốc trị hen suyễn: Dùng địa long 12g sắc uống. Hoặc mỗi lần dùng 3g bột địa long, uống trực tiếp, ngày dùng 2 lần.
- Bài thuốc sỏi đường tiểu: Dùng lá khoai lang đỏ, củ tỏi và địa long đỏ, bằng lượng nhau, đem giã nát và đắp ứng vùng bụng dưới.
- Bài thuốc trị thân thể nặng nề, bụng dưới nóng đau, tinh hoàn sưng hoặc thụt vào trong: Dùng giun đất 24 con đem sắc với 1 đấu nước, còn lại 3 thăng.
- Bài thuốc trị chân tay sưng đau: Sử dụng giun đất 3 thăng trộn với 5 thăng nước, giã lấy khoảng 1,5 thăng, dùng uống.
- Bài thuốc trị mắt đỏ đau: Dùng giun đất 10 con, sao vàng, tán bột uống cùng với trà 3 chỉ.
- Bài thuốc trị ngón tay đau nhức: Dùng giun đất giã nát và đắp trực tiếp.
- Bài thuốc trị thanh quản sưng đột ngột: Dùng giun đất 14 con, đem giã nát và đắp ngoài họng. Dùng thêm 1 con hòa với nước muối, thêm 1 ít mật ong, uống ngay.
- Bài thuốc trị trĩ mũi: Dùng nha trạo 1 miếng và địa long sao vàng 0.4g đem tán bột, hòa với 1 ít nước và mật ong, đem nhỏ vào lỗ mũi.
- Bài thuốc trị côn trùng vào bên trong tai: Đem bột địa long bỏ vào trong hành, sau đó hòa thành nước và nhỏ vào tai.
- Bài thuốc trị điếc do bế khí: Dùng xuyên khung và địa long mỗi thứ 20g, đem tán bột mịn. Mỗi lần dùng 8g uống với nước sắc mạch môn.
- Bài thuốc trị kinh lạc ứ tắc gây đau, ứ huyết do thấp đàm: Dùng thảo ô đầu, thiên nam tinh, địa long và xuyên ô đầu, mỗi thứ 8g với một dược và nhũ hương, mỗi thứ 6g. Đem các vị tán bột và chưng với rượu hồ, làm thành viên. Mỗi lần uống 1 viên cùng với nước sắc Tứ vật thang.
- Bài thuốc trị tâm thần buồn bực, kinh phong: Dùng hồ phân 8g, nhũ hương 2g đem nghiên nát, sau đó dùng giun đất giã nát, trộn đều với bột thuốc làm thành viên. Mỗi lần uống khoảng 10 – 15 viên với nước hành sắc.
- Bài thuốc trị da đầu nổi vảy trắng: Dùng bột địa long trộn với 1 ít khinh phấn, dầu mè và thoa lên da đầu.
- Bài thuốc trị người lớn tuổi bị bí tiểu: Dùng địa long khoang cổ trắng và hồi hương, bằng lượng nhau. Sau đó đem giã nát và ép lấy nước uống.
- Bài thuốc trị kinh phong mạn tính: Dùng phụ tử bỏ vỏ và nghiền sống, sau đó lấy địa long lăn trong bột thuốc. Cạo lấy bột phụ tử dính bên ngoài địa long, làm thành viên to bằng hạt gạo. Mỗi lần dùng 10 viên uống cùng nước cơm.
- Bài thuốc trị trẻ nhỏ bị sưng tinh hoàn: Dùng nguyên con giun đất, giã nát, trộn nước và đắp vào.
- Bài thuốc trị răng lung lay: Dùng ngũ bội tử sao và địa long sao, bằng lượng nhau, đem tán bột mịn. Dùng gừng tươi xát vào chân răng sau đó rắc bột vào.
- Bài thuốc trị sa trực trường dương chứng: Dùng sinh khương và kinh giới sắc và rửa. Sau đó dùng phác tiêu 8g và địa long 40g, đem tán bột, trộn với dầu và thoa vào.
- Bài thuốc trị sốt cao, co giật: Dùng toàn yết 3g, kim ngân hoa 12g, địa long 10g, câu đằng 12g, liên kiều 10g đem sắc uống. Hoặc dùng chu sa 30g với địa long 100g, đem tán nhuyễn vo thành viên. Mỗi lần dùng 3g.
10. Kiêng kỵ
+Hư hàn nhưng không có thực nhiệt, cấm dùng địa long.
Bài viết chỉ cung cấp một số thông tin cơ bản về dược liệu địa long. Nếu bạn có ý định áp dụng các bài thuốc từ dược liệu này, cần chủ động trao đổi với bác sĩ để dự phòng các tác dụng không mong muốn.
via Blogger https://bit.ly/37pnlFM
October 22, 2020 at 08:41AM